DJC

Đã đánh giá tài liệu

Cảm ơn bạn đã phản hồi

Ba gốc kiến tạo “Nhân hiệu hạnh phúc" - Tâm

| 134 lượt xem | ADMIN Thư viện số 100 năm

Bất kỳ ai muốn trở thành một “nhân hiệu hạnh phúc” đều cần có sự hợp nhất của ba gốc Tâm từ - Thân khỏe - Trí sáng. Chúng ta cùng bắt đầu từ cái gốc đầu tiên: Tâm.

Được sự cho phép của các tác giả cuốn Cẩm nang Nhân hiệu hạnh phúc, Ban biên tập Học viện Thương hiệu Kim cương (Diamond Brand Institute - DBI) - Thành viên Tập đoàn Hành trình Kim cương (DJC) xin gửi tặng tới độc giả chuỗi bài viết được trích lược từ sách. Đây là những kiến thức rất quý được đúc rút, chắt lọc từ chính kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế của các tác giả - những người có bề dày xây dựng và phát triển những thương hiệu giá trị và uy tín.

>> Xem thông tin về cuốn sách và tác giả sách - TẠI ĐÂY

>> Khái quát về nhân hiệu - TẠI ĐÂY

>> Tại sao lại là “Nhân hiệu hạnh phúc"? - TẠI ĐÂY


Sách "Cẩm nang Nhân hiệu hạnh phúc"  của hai tác giả Đỗ Vũ Phương Anh - Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn DOJI và Nguyễn Châu Linh - Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hành trình Kim Cương (DJC)

Chữ “Tâm" trong nhân hiệu - Chỉ có nhân hiệu thiện lương và tử tế mới bền vững!

Nhân hiệu “fake”

Chúng ta sẽ bắt đầu với một vài phát biểu đáng quan tâm về giá trị gốc rễ của nhân hiệu.

“Nhân hiệu như một Đạo, tuy nó vô hình nhưng hiện hữu, hãy tin rằng nó sẽ hướng chúng ta đến chân thiện mỹ.” - Khuyết danh.

“Sự tử tế là ngôn ngữ mà người mù có thể thấy và người điếc có thể nghe còn thiện lương là ngôn ngữ của vũ trụ và là sự lựa chọn.” - Mark Twain. 

Thử đặt một tiền đề thế này, một học giả uyên thâm với cặp kính trí thức và vẻ ngoài lịch lãm được truyền thông thường xuyên nhắc đến có chắc chắn là một nhân hiệu bền vững? Không ai dám khẳng định điều này! Chúng ta những tưởng chỉ có thương hiệu, nhãn hiệu mới có thể làm giả, còn nhân hiệu thì không. Nhưng thực tế, ở thời đại này, việc tạo nhân hiệu “fake”, hay nói đúng hơn là nhân hiệu không bền vững không hề hiếm thấy.

Nhà thiết kế thời trang “fake”: Họ cố gắng xây dựng hình ảnh thật đẹp trong mắt người khác, cố gắng cam kết chất lượng sản phẩm, làm rất nhiều chương trình cộng đồng… Nhưng cuối cùng, người dùng vẫn phát hiện ra sự dối trá được gắn mác trên sản phẩm. Sự nghiệp cả đời và danh tiếng lụi tàn trong gang tấc.

Nhạc sĩ/ ca sỹ “fake”: Họ thấy người khác sáng tác hay, hát hay, có được danh tiếng nên cũng muốn nên bắt chước theo, bằng cách nhép, nhái kỹ thuật, hoặc thậm chí thuê người viết thay, thu âm, làm giọng mượt sẵn trước khi lên sân khấu… Nhưng chỉ một sự cố nhỏ của ban nhạc, họ lộ nguyên bản, bị khán giả tẩy chay, cơ quan công quyền vào cuộc xử lý những vi phạm về sở hữu trí tuệ.

Chuyên gia/ nhà đào tạo/ nhà huấn luyện “fake”: Họ sao chép hình ảnh của một “Guru” từ người khác, rồi khoác lên mình, thiết kế in ấn tài liệu cũng thật ấn tượng… Nhưng truyền thông chứng minh được đó chỉ là giả danh giáo dục để xây dựng hệ thống làm giàu nhanh, làm giàu không khó đánh vào tâm tham của người khác.

Nhân hiệu vững bền

Một nhân hiệu với trí sáng, thân khỏe chưa đủ vững bền; bởi còn cần thêm một tâm hồn đẹp, thiện lương và tử tế. Một nhân hiệu truyền cảm hứng cần là một nhân hiệu hạnh phúc với tư duy đủ đầy, luôn yêu thương. Trên hết, nhân hiệu vững bền phải đảm bảo hòa hợp và đồng nhất suy nghĩ, lời nói và hành động.

Một nhân hiệu vững bền sẽ không cần che đậy sự giả dối bên ngoài, không cần phải đối phó bên trong. Bởi khi tâm hồn an trú thảnh thơi, nhân hiệu ấy sẽ phát huy được tối đa sự sáng tạo và năng lực trong lĩnh vực của mình để tạo giá trị cho cộng đồng và để lại di sản.

Khi có tâm hồn đẹp, bạn sẽ để lại cảm xúc tươi đẹp, trọn vẹn trong lòng đối phương và cộng đồng. Xây dựng nhân hiệu theo xu hướng cảm xúc là từ tự thân người chủ thương hiệu truyền cảm hứng cho đối tượng mục tiêu nhờ những cảm xúc đẹp đẽ phát sinh trong quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân. Hành trình xây dựng thương hiệu cảm xúc này là hành trình đi từ trái tim đến trái tim, không phải từ logic đến trái tim. Và đây là con đường vừa để lại ấn tượng, vừa có được tình cảm của người khác.

Quy trình xây dựng nhân hiệu cần chú trọng đến phần gốc, tức là nền tảng của sự tồn tại và phát triển của nhân hiệu đó. Bạn có thể xây dựng được một nhân hiệu mạnh trong một thời gian nhất định nhưng để duy trì được vị thế này lâu dài thì nhân hiệu này phải được xây dựng dựa trên tính nhân văn hay nói cách khác là sự tử tế. “Tử tế” chính là yếu tố đảm bảo sự lâu bền của nhân hiệu. Con người tử tế sẽ có được những mục tiêu tử tế và cách thực hiện cũng tử tế. Tương tự như vậy, một nhân hiệu tử tế chỉ được tạo bởi những người tử tế, dựa trên sự trung thực, tính dài hạn và tính nhân văn. 

Phát triển tâm hồn cũng phải có chiến lược và kế hoạch cụ thể. Và chúng ta có thể bắt đầu bằng cách tự tìm câu trả lời cho mình trước những câu hỏi, “thiện lương và tử tế là gì?”, “tại sao chúng ta cần phát triển thiện lương và tử tế?”, “làm thế nào để duy trì và chuyển hóa thiện lương và tử tế thành ADN của mình?”.

Tâm là gì?

“Tâm” ở đây có thể được hiểu là tâm thức, là bản năng, là linh hồn sâu thẳm của mỗi con người. Tâm khiến những ý niệm trỗi dậy một cách tự nhiên và có ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của con người mà không thông qua sự kiểm soát của nhận thức. Có thể nói đây là “bản năng”  thiên về cảm tính của con người.

Theo Phật học, “tâm” chính là phiền não - một loại phiền não gốc và tiềm tàng. “Tâm” đã xuất hiện ngay trước khi con người được sinh ra và cùng tồn tại với nhận thức. Trong đó, có 7 trạng thái tình cảm được liệt kê như cảm xúc bản năng, là hỷ (vui vẻ), nộ (tức giận), ái (yêu thương), ố (ghét bỏ), cựu (hoảng sợ), ai (buồn đau), lạc (vui vẻ) hay còn 3 trạng thái phổ biến khác là tham, sân, si. Với những cảm xúc này, “tâm” mang lại năng lượng cho tinh thần và là yếu tố cơ bản xây dựng tính cách của mỗi người.

Chúng ta luôn theo bản năng mà tìm kiếm sự thỏa mãn, dễ chịu để đáp ứng lại mọi khao khát và mong muốn của mình. Bản năng cho phép chúng ta thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình một cách trực tiếp. Và đôi lúc, bản năng sẽ thôi thúc chúng ta tìm kiếm, đáp ứng những nhu cầu bất hợp lý và không khả thi theo một cách tiêu cực.

Chính vì tồn tại mâu thuẫn trên, nên có hai tư tưởng về tâm thức và bản năng của con người rất nổi tiếng nhưng đối lập nhau; đó là “nhân chi sơ, tính bổn ác” của Hàn Chi Tử và “nhân chi sơ, tính bổn thiện” của Mạnh Tử. Chúng ta không thể luận bàn đúng - sai, vì bất kỳ quan điểm nào cũng chịu ảnh hưởng bởi yếu tố cá nhân và thời cuộc. Nhưng từ đó, chúng ta có thể hiểu được “tâm” là đại diện cho trái tim, lòng dạ và lương tri của một người. Mọi hành động và phản ứng tự nhiên nhất của chúng đều xuất phát từ tâm. Tâm hướng thiện thì bạn sẽ suy nghĩ và hành động theo đúng đạo lý, lẽ phải. Tâm hướng tà thì sẽ phát sinh ý niệm xấu xa, tội lỗi.

Nên có thể nói, “tâm” sẽ dẫn lối về cội nguồn của mọi giá trị sống, khiến chúng ta cảm nhận được sự độc đáo của chính bản thân mình, bởi lẽ mỗi cá thể luôn mang một tâm hồn riêng biệt. Bản năng là điều tự nhiên nhưng cũng rất vô tri, không thiện cũng không ác. Sự đánh giá bản năng và tâm thức phụ thuộc phần nhiều vào cách chúng ta điều hướng bản thân mình, đã thật thiện thì không ác mà thật ác thì không thể thiện.

Tại sao cần “tâm từ”?

Chúng ta có thể hình dung rằng, “tâm thức” hoạt động như một máy “thu âm”; nó giúp chúng ta ghi lại nhiều hình ảnh, cùng cảm nhận chân thực thông qua các giác quan của cơ thể về toàn bộ hoạt động sống của ta từ giây phút sinh ra cho đến hiện tại. Tuy nhiên, trong thực tế ta chỉ nhớ và nhận thức được rất ít sự việc so với những gì bạn đã trải nghiệm.

Tất cả các giá trị mà bạn có đương thời hoặc sẽ trau dồi trong tương lai đều được ví như những “phần mềm mới” mà bạn phải chủ động “cài đặt” để hoạt động song hành cùng với cơ thể. “Tâm thức” giúp bạn thu phóng hình ảnh của mọi sự vật, sự việc - góp phần tạo ra hình ảnh của cá nhân bạn, cũng như hình ảnh về những người xung quanh. Từ đó, cho bạn ý thức về các khái niệm và bản ngã của chính mình. Chính vì thế, bạn cần chú trọng tu dưỡng tâm thức để biến điều đấy trở thành cốt lõi và “giá đỡ” cho các giá trị sống khác.

Tâm thức là năng lượng thuần khiết nhất để cơ thể tạo ra hành động thực tế và cho bạn niềm tin tích cực vào “Thượng đế”, “Chúa Trời”, “Đức Phật”... - bất kỳ nhân tố  nào có thể giúp bạn có được một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc. Nhưng thực tế có phải vậy? Chúng ta hãy cùng xét về quá trình “dưỡng thành” của tâm thức qua những trạng thái sau.

Đầu tiên là cảm giác “sung sướng”: Cảm giác này đa phần mang tính vật lý, khi chúng ta có thể thỏa mãn được bất kỳ nhu cầu nào của bản thân, dù cho cách thức đạt được là xấu hay tốt. Chính vì thế, cảm giác này được xếp vào là tầng thấp nhất trong thang bậc cảm xúc của con người.

Hạnh phúc: Là cảm xúc tinh tế hơn so với sự sung sướng. Hạnh phúc thường gắn liền với tình yêu thương, hạnh phúc cũng chính là vừa cho và vừa nhận. Cảm giác này mang tính chia sẻ rất cao.

Tiếp đến là “hoan hỷ”: Cảm giác hoan hỷ mang một chút hơi hướng tâm linh, thường gắn liền với lòng từ bi của con người. Hoan hỷ không phụ thuộc vào hoàn cảnh, tức là những trạng thái an bình, trong sáng, tươi mới từ trong xúc cảm và tâm hồn.

Điểm cuối cùng là “phúc lạc”: Phúc lạc bao gồm cả hoan hỷ nhưng khi con người phúc lạc, bản ngã của họ sẽ tan biến, là trạng thái “không hiện hữu” mà mọi người vẫn thường hay ví là cõi “tối thượng”, “chân lý” hay “niết bàn”. Cảm giác này đánh vào tính toàn thể, không phải là vật lý, tâm lý hoặc tâm linh. Phúc lạc không biết đến phân chia và không phân chia.

Trạm dừng cho mục đích phát triển “tâm thức” chính là đưa con người về với cảm giác hạnh phúc và an lạc. Lúc này “Thượng đế”, “Chúa trời”, “Đức Phật” mới thực sự tồn tại; họ không phải là một người ở đâu đó, mà chính là thể thống nhất của các nguồn năng lượng trong con người. Và quá trình theo đuổi cho sự phát triển của chúng ta không thể nằm ngoài mô hình chung là phải tu dưỡng tâm thức.
 hể thấy, “tâm thức” là một khía cạnh quan trọng mà chúng ta cần phải đầu tư và phát triển. Nhờ có tâm thức, con người mới có thể thấu hiểu được bản thân mình để quay về vun bồi “bản ngã”. Sự kết hợp giữa “tâm thức” và trí tuệ là cần thiết cho mỗi chúng ta để hình thành nghị lực sống và các giá trị đạo đức tốt đẹp khác; nhờ đó mà ta có được một cuộc sống hạnh phúc, thanh thản và thịnh vượng hơn.


Rèn tâm thế nào cho từ?

“Tâm” của con người là “sự hiểu biết và phân biệt tốt - xấu, đúng - sai”. Nội tâm hay tâm hồn không có dáng hình cụ thể, chính vì thế không có gì được xem là thước đo cụ thể cho tâm thức của mỗi người. Chính vì thế, quá trình tu dưỡng tâm hồn của mỗi chúng ta chủ yếu được biểu hiện qua cách bản thân suy nghĩ, lời nói rồi dẫn đến hành động chân chính bằng sự giác ngộ trong từng phút giây. Từ đó khiến nội tâm ta cảm thấy bình yên và hạnh phúc cũng như buông bỏ được những ý niệm tiêu cực, xấu xa. Và quá trình tu dưỡng tâm thức có thể khơi nguồn bởi 3 phương pháp sau đây.

Trước tiên là nuôi dưỡng tâm hồn con người thông qua tình yêu thương. “Yêu thương” là những rung cảm tốt đẹp thuộc về cảm xúc; tương tự như tâm hồn, tình yêu thương không thể cân đo hay đong đếm được. Cảm xúc tốt đẹp này không chỉ quan trọng giữa người với người mà còn quan trọng vì tự chính chúng ta luôn cần phải biết yêu quý bản thân mình. Khi đó, tình cảm là phi logic, không tuần tự và không chuẩn xác.

Yêu là biểu hiện cơ bản của tình thương, khi “yêu” bạn sẽ có mong muốn được bày tỏ, được dâng tặng tất thảy những điều tốt đẹp nhất. Tuy vậy, trong sâu thẳm của cho đi vẫn là sự thiết tha được nhận lại.

Chúng ta thường tự nhủ phải giữ thiện tâm và hành thiện. Khái niệm về  “thiện” luôn gắn liền với những chuẩn mực đạo đức của con người và xã hội.

Khi đứng trước nhiều tiêu điểm hoặc hai mặt của một vấn đề, “thiện và ác” suy cho cùng là sự lựa chọn của chính chúng ta.

Biểu hiện cao nhất của “tình thương” là từ bi. Đây là tình yêu thuần khiết, không có ràng buộc và đương nhiên không phải là sự nỗ lực của việc trở nên ngày càng “thiện”. Từ bi tự nhiên và đơn giản, chỉ biết đến cho đi mà không nhận lại.

Phương pháp tiếp đến là phát triển tâm thức con người dựa trên niềm tin và mơ ước của bản thân. Bạn nên biết rằng, trí tưởng tượng và tầng sâu trong tâm hồn có thể giúp hình thành ước mơ. Trong đó, có những ước mơ sơ khai lung linh, đẹp đẽ, xa rời thực tế; và có những ước mơ đầy triển vọng.

Đây là yếu tố quan trọng giúp bạn khai phá năng lực, sở trường cũng như tố chất tiềm ẩn bên trong mình; xác định được đâu là bản năng, bản ngã thực sự của bạn. Biết ước mơ là minh chứng rõ ràng cho tâm thức giàu niềm tin và sự khích lệ của con người.

Mơ ước đòi hỏi chúng ta phải cảm nhận và suy nghĩ nhiều hơn về những giá trị, sự vật, sự việc một cách đa chiều. Một tâm hồn “phong phú” có thể nhìn nhận thấu đáo mọi thứ quanh mình, trong mình và đạt được sự an lạc dễ dàng hơn.

Cuối cùng, phương thức phổ biến nhất dùng để phát triển “tâm thức” được nhắc đến là “thiền”. Với đối tượng là chính cơ thể của mình, khi bạn đi sâu vào Thiền, tâm thức bạn sẽ được thả lỏng, khai mở hoàn toàn, không phân chia, tính toán. Lúc này, cơ thể dễ dàng đạt được trạng thái “siêu việt”. Đó chính là trạng thái “tĩnh lặng” trong tâm hồn. Khi đó, “thiền” cung cấp một sợi dây kết nối bạn với tâm thức của mình, để bạn có thể hiểu và làm chủ bản thân mình tốt hơn.

Có 3 dạng thiền cơ bản là Thiền công, Thiền quán và Thiền định. “Tinh tế, minh triết, kiên nhẫn” là những đặc trưng nổi bật tương ứng cho từng dạng thiền nêu trên.

  • Thiền công: Cốt lõi của Thiền công là sự tinh tế về rung động và khả năng cảm nhận rung động. Điều quan trọng nhất là cảm giác tự do, giải phóng. Khi đó, bạn là chính bạn, sống cùng với trái tim và thực tại.

  • Thiền quán: Là cách quan sát sự thật khách quan, dù cho đấy là trạng thái nội tâm của bạn thì bạn vẫn cứ tách ra khỏi nó mà quan sát. Thiền quán giúp bạn đi sâu vào thế giới nội tâm của mình. Khi đó, bạn sống với chân lý, lý tưởng. Thiền quán mang đến cho bạn sự minh triết và cảm giác thư thái ung dung.

  • Thiền định: Thiền định là không quan sát. Vì khi bạn nhìn, bạn có thể rơi vào trạng thái thấp thỏm vì một số sự việc xảy ra trước mắt. Trong thiền định, bạn rèn luyện được ý chí và khả năng làm chủ để thanh lọc lại cơ thể, suy nghĩ và cảm xúc của mình. 

Sức mạnh màu nhiệm của Thiền cho phép bạn thoát khỏi sự chi phối vốn có của những tình huống quen thuộc. Ví như khi bực dọc, tức giận bạn không lẩn tránh, không nuôi dưỡng mà thả lỏng để tìm hiểu, theo dõi xem cảm xúc này xuất hiện, tồn tại và biến mất như thế nào. Có thâm nhập và hiểu sâu thì bạn mới có thể thay đổi chúng.

Ngoài ra, theo một số nghiên cứu khoa học, việc nghe một âm điệu khi thiền sẽ khiến cho các tầng sóng nào của bạn trở nên đồng bộ hơn, nhịp tim chậm lại, hơi thở đều đặn từ đó đem đến một trạng thái bình tĩnh, thông tuệ trước mọi vấn đề trong cuộc sống.

Quay trở lại với câu hỏi “rèn tâm thế nào cho từ?”, thật khó để đưa ra một phương pháp cụ thể. Tuy nhiên, việc bồi đắp một trái tim yêu thương, xây dựng niềm tin mơ ước và ứng dụng “Thiền” để thanh tẩy, làm giàu tâm thức là những cơ sở mà có lẽ bất kỳ ai cũng có thể áp dụng được để rèn tâm từ cho chính mình.

***

Khi đăng ký tài khoản Ngân hàng Di sản Tri thức tinh hoa DJC TẠI ĐÂYbạn có cơ hội được: 

  • Bình luận, đóng góp ý kiến và giao lưu cùng tác giả.

  • Sở hữu ngay báo cáo quản trị cá nhân và blog riêng.

  • Chọn ID Ngân hàng theo ý muốn và được nạp 39k đồng.

  • Truy cập không giới hạn sách, truyện, tài liệu học tập và giải trí thú vị, đa dạng, đã lĩnh vực.

Để branding hiệu quả, xem thêm tài liệu CẨM NANG XÂY DỰNG NHÂN HIỆU HẠNH PHÚC.

Xem chuỗi bài liên quan trích từ cuốn Cẩm nang Nhân hiệu hạnh phúc

Để tìm hiểu về Ngân hàng Di sản Tri thức tinh hoa DJC, xem HỒ SƠ.