để tặng cho tác giả tài liệu này
![](/theme_djc/static/src/img/new/diamond_1.png)
Đã đánh giá tài liệu
Cảm ơn bạn đã phản hồi
Tác giả: Phạm Văn Sơn
Nhà cung cấp: Nhà sách Khai trí
“Việt sử tân biên” là một bộ sách về lịch sử Việt Nam, gồm 5 tập, chia làm 7 quyển do nhà sử học Phạm Văn Sơn biên soạn. Bộ sách này không chỉ là một biên niên sử đơn thuần, mà còn là một nỗ lực đáng kính để tái hiện bức tranh toàn cảnh về quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt, từ thời kỳ huyền sử đến cuộc kháng chiến chống Pháp. Quyển đầu tiên có tựa đề “Việt sử tân biên: Thượng và Trung cổ thời đại” trình bày chi tiết về các sự kiện lịch sử quan trọng, các triều đại và sự phát triển của đất nước từ thời kỳ dựng nước cho đến những biến chuyển trong suốt các thế kỷ đầu của lịch sử Việt Nam.
Họ Hồng Bàng ra đời trước Thiên Chúa kỷ nguyên ngót 30 thế kỷ.
Với họ Hồng Bàng xuất hiện một dân tộc tại vùng hạ lưu sông Dương Tử phiêu bạt dần xuống miền Đông Nam Trung Quốc, vịnh Bắc Việt và ngày nay dừng chân bên bờ biển Tiêm La (Xiêm La - chú thích của DBI).
Dân tộc đó là dân tộc Việt Nam.
Bắc, qua nhiều thế hệ Việt Nam chống nhau với Đế quốc Hán tộc, một khối người trên 400 triệu, diện tích 3.637.000 cây số vuông, một quốc gia đông đảo, rộng rãi và trước đây văn minh vào bậc nhất trên thế giới. So sánh với Trung Quốc hùng vĩ như vậy, Việt Nam chỉ là một Quốc gia nhược tiểu, dân số chưa nổi một phần hai mươi, đất đai gom lại chỉ là cái giải (mảnh vải - chú thích của DBI) nếu Trung Quốc có thể ví là cái áo.
Nam, từ đệ tam thế kỷ sau Tây lịch, Việt Nam luôn luôn bị nạn quấy phá của Chiêm Thành, tuy chẳng là một nước lớn nhưng cũng là một dân tộc đã tiến hóa và kiệt hiệt dưới trời Đông Nam Á ngót một ngàn năm.
Bị kẹp giữa hai gọng kìm, có khi cùng liên kết hành động siết vào cổ họng, ông cha chúng ta luôn luôn tích cực tranh đấu, tích cực hy sinh nên dầu trải qua bao nhiêu giai đoạn thăng trầm, bĩ thái, con cháu Hồng Lạc vẫn sinh tồn, vẫn phát triển, vẫn bành trướng cương thổ, vẫn giữ vững được Tự do từng làm cho Thế giới phải ngạc nhiên, kẻ thù ngại mặt.
Cuối thế kỷ thứ 19 lỡ làng một nước cờ quốc sự, Việt Nam mất chủ quyền trên 80 năm, nhào theo nhiều lân quốc Á châu, trước ngọn trào Thực dân của người da trắng. Những con cháu Trưng, Triệu, Thường Kiệt, Hưng Đạo, Quang Trung vẫn kiên gan, bền chí, vẫn tin tưởng ở quá khứ, vẫn nhìn thẳng vào tương lai, và không ngừng tranh đấu. Luôn mười năm trở về đây, sau cuộc Đệ Nhị chiến tranh, không bỏ lỡ các cơ hội suy tàn của các Đế quốc, được thức tỉnh trước sự tiến bộ chung của nhân loại trên khắp hoàn cầu, dân tộc chúng ta vung gươm giành quyền sống, đạp đổ cường quyền và nay đã thâu hồi được chủ quyền Độc Lập thật sự.
Giờ đây chúng ta tiến; Tiến là luật sống vì chúng ta quan niệm chỉ có sức mạnh mới giữ gìn, mới xây dựng được nền Công lý xã hội trong Quốc gia ngoài Quốc tế.
Chúng tôi nghĩ rằng không lúc nào bằng lúc này đề soạn lại bộ Quốc sử cho hợp với hoàn cảnh mới của nước nhà.
Hôm qua bằng xương máu ông cha chúng ta đã viết những trang sử cũ.
Hôm nay cũng bằng xương máu thể hệ chúng ta viết những trang sử mới.
Người ngoại quốc sành sỏi các vấn đề Đông Dương thường nói: Việt Nam là một dân tộc có lịch sử…, tức là họ nhận thấy ở dân tộc chúng ta một quá khứ oanh liệt và nhiều khả năng trong cuộc tranh sống hôm qua và ngày nay. Họ đã đọc lịch sử của chúng ta, họ khâm phục những đặc tính của dân tộc chúng ta trên nhiều địa điểm, nhưng sự thực chúng ta đã có một cuốn lịch sử mà biên soạn cùng sự cầu tạo được đúng đắn hẳn hoi để cho người trí thức ngoại quốc và trong nước xem chưa? Chúng tôi rất lấy làm bất đắc dĩ mà trả lời rằng chưa.
Nếu kể đến sử chữ Nho, dĩ nhiên chúng ta cũng có mươi lăm quyển mà ta chỉ có thể xác định giá trị của nó vào những thời quá vãng, những cuốn sử này do tay người Việt viết kể từ Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Phan Huy Chú, vân vân…, ngoài ra còn một số của người Tầu (Tàu - chú thích của DBI) soạn ra như “Sử ký”, “Quảng Châu ký”, “Giao châu ngoại vực ký”, “Vũ Cống”, “Thủy Kinh chú”, “Hậu Hán thư”, vân vân… trong đó người ta ghé những biến chuyển chính trị của Việt Nam vào trong cuốn lịch sử vĩ đại của người Hán do những mối liên quan giữa hai dân tộc.
Trong thời Tây thuộc vừa qua cũng có mươi cuốn Việt sử viết bằng tiếng Pháp ra đời mà hầu hết do người Pháp viết, kể về lượng tạm cho là nhiều, nhưng về phẩm thì cũng chưa đáng cho ta hài lòng.
Điều tai hại về những cuốn sử chữ Nho là chỗ các sử thần đã chỉ làm việc chép gia phả của các hoàng gia hơn là viết lịch sử của đất nước. Sử thần tất nhiên có bổn phận “đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” là lối “húy lố” (còn gọi là “chương từ”, hiểu là quy củ, rập khuôn - chú thích của DBI) của kinh Xuân thu. Ngoài cái tính cách chủ quan nó làm mất tinh thần độc lập của ngòi bút viết sử lại còn những mớ thần thoại, những bài luân lý không phải chỗ khiến người ta có cảm tưởng đã đọc phải những cuốn văn hỗn tạp, nhạt nhẽo, vô vị. Điều cốt yếu của một cuốn Sử là đời sống của dân tộc về các phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội đã do những động lực nào chi phối những định luật nào và những nguyên cớ nào về chính trị đã đem lại các cuộc thịnh suy cho các triều đại. Những điều này tiếc thay tới nay chưa được coi là quan trọng và trình bày với những dẫn chứng cần thiết theo phương pháp khoa học. (Những sự thiếu sót chúng tôi kể ra đây không riêng ở nơi các nhà chép sử của chúng ta. Trước đây các sử gia Pháp cũng sơ xuất như vậy, nghĩa là người ta đã chỉ lo đề cao các việc của hoàng gia, các việc tôn lập, các trận mạc mà ít tìm hiểu các vấn đề dân sinh, dân tộc nó chứa đựng những ưu, nhược điểm hay những sự thất đắc của một nền chính trị. Augustin Thierry - một sử gia Pháp về cận đại đã lên tiếng phàn nàn những kẻ tiền bối của mình và kể từ thời đại của ông, ngòi bút của sử gia Pháp mới bắt đầu hướng về mặt xã hội và đại chúng,..).
Tình trạng của các cuốn Việt sử do người Việt biên soạn đáng buồn là thế, những trang sử do người Tàu viết về chúng ta lại càng tệ hại hơn. Các sử liệu đã lấy căn cứ ở các thư tịch, các sớ tấu của các quan lại, tướng tá, thứ sử, thái thú Trung Quốc ngoài biên viễn. Bắc triều cách Nam phương muôn dậm (dặm - chú thích của DBI) trùng dương, từ lưu vực sông Hoàng Hà tới bờ sông Nhị, sông Mã, lòng người lại chia rẽ giữa kẻ thống trị và người bị trị thì sự thực phải sai xuyễn rất nhiều và thường bị xuyên tạc là đàng khác; nhất là từ thời Hồng Bàng tới Bắc thuộc là thời kỳ khuyết sử ở nước ta do chỗ không có người Việt để viết sử cho người Việt (Theo ông Léonard Aurousseau, lịch sử của chúng ta chỉ rõ ràng từ đệ tam thế kỷ trước T.C. (thế kỷ thứ ba trước Công nguyên - chú thich của DBI) và trước đó chỉ là những dã sử, những chuyện thần bí).
Với những cuốn Việt sử của người Pháp biên soạn và nghiên cứu gần đây nhờ ở sự sưu tầm của các nhà khảo cổ, cũng có một số tài liệu xác đáng và có giá trị, nhưng một vài sử gia Pháp vẫn không tránh được cái lối chủ quan như nhiều nhà chép sử Trung Quốc đã phủ nhận không những nhiều điều tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, lại còn có nhiều kỳ thị hẹp hòi về chủng tộc khiến sự thật nhiều phen đã bị mờ ám một cách đáng tiếc.
Tóm lại những cuốn sử như vậy là cả một cuộc đầu độc văn hóa và tinh thần của chúng ta, đáng lẽ ta đã phải có những cuốn sử đúng đắn về chính trị, kinh tế, xã hội rành rọt, súc tích tài liệu để làm căn bản cho một nền giáo dục dân tộc dựa vào khoa học và những quan niệm chân chính. Nền giáo dục này có sứ mạng in sâu vào tâm trí người dân, nhất là các thanh niên những ý tưởng rõ rệt về nguồn gốc dân tộc, các truyền thống và năng lực quốc gia, những thành tích lớn lao của tổ tiên để phấn khởi tinh thần dân chúng, đồng thời nó phải bày tỏ những sự lỗi lầm của một số triều đại và nhân vật lịch sử để giúp kinh nghiệm cho đám người sau, tức là vẽ cho họ một con đường hành chỉ về tương lai trước cái nhiệm vụ phụng sự quốc gia, dân tộc.
Với những nhận định trên đây chúng ta nhìn đến nền sử học của nước nhà không khỏi có cảm tưởng đứng trước một cảnh vườn hoang nhà vắng, trước một công cuộc còn phải tốn nhiều tâm huyết, trí lực để xây dựng.
Do tình trạng này, Đài phát thanh Đà Lạt năm 1952 đã lên tiếng về việc thành lập một ban nghiên cứu sử học. Năm 1950 trên báo Việt Thanh ngày 13 tháng 04, bạn Hoàng Trọng Việt cũng tỏ ý băn khoăn. Và chúng ta cũng chưa quên trên đây 10 năm nhiều nhà trí thức cũng đã từng có nhiều sự than phiền. Lại thêm trong cuộc tiếp xúc giữa cụ Trần Trọng Kim - tác giả Việt Nam sử lược với chúng tôi cách đây ba năm, vấn đề này cũng được nêu ra. Trần tiên sinh cũng tỏ ý cần phải xúc tiến việc tìm tòi sử liệu đề viết lại cuốn lịch sử của nước nhà, tác phẩm của tiên sinh, không hơn không kém vẫn chỉ là một cuốn sử lược.
Có nên nhắc rằng sau khi cuốn sử của Trần Quân ra đời thì trong văn học giới cũng có lác đác một số sử liệu ra mắt, nhưng các bài sưu tầm có giá trị vẫn còn hiếm hoi ngoài một số tài liệu của các học giả Nguyễn Văn Tố, Đào Duy Anh, Hoa Bằng, L. Aurousseau, Maspéro, Parmentier, vân vân... Các tài liệu này tuy vậy vẫn cần phải xem xét lại vì chính giữa các học giả nói trên còn nhiều điểm chia rẽ.
Theo các nhận định trên đây, chúng tôi có áp dụng một phương pháp mới trong việc biên soạn cuốn sử này, nó đòi hỏi một sự tìm tòi gắt gao các sử liệu còn thiếu sót, một sự nghiên cứu rất thận trọng các sử sự để tránh các điều sai lầm hay xuyên tạc, nhất là đối với các sử liệu ngoại quốc.
Tại đây chúng tôi ghi chép cả các bài khảo luận hay lời phê bình của các sử gia, các trí thức trong nước để rọi thêm ánh sáng vào những tư tưởng dị đồng của mỗi thời đại.
Nhà nhiếp ảnh trung thành trong việc thu các hình bóng vào vật kính (objectif) thế nào thì nhà sử học cũng không thể làm khác được. Đó là về vấn đề tài liệu.
Nhưng một việc khác quan hệ hơn vấn đề tài liệu là các nhận định, các ý kiến của nhà chép sử trước một biến cố lịch sử.
Sử gia phải có can đảm trình bày quan niệm của mình sao cho hợp lý và xứng đáng. Việc này buộc sử gia vào một trách nhiệm rất lớn. Nếu thiếu sự nghiên cứu kỹ càng các sử liệu, sự theo dõi các cuộc diễn tiến của thời cuộc, thiếu sự sáng suốt và công bằng, sử gia đưa ra những ý kiến sai lầm hay tư vị thì tai hại không sao lường cho hết được. Như trên chúng tôi đã nói, sử học là nền tảng của việc giáo dục hay ít nhất là phần trọng yếu trong chương trình giáo hóa công dân một nước, vậy sự thật của lịch sử dầu xấu, dầu đẹp phải được nêu ra trọn vẹn. Cho tới ngày nay một số sử gia của chúng ta đã lửng lơ giữa cái việc của các sử thần hàng năm vào sổ công việc triều đình một cách suông nhạt và việc của các vị ngự sử bằng những lời khen, chê không lợi ích bao nhiêu cho đám người sau, bởi thiếu tinh thần khách quan, bởi óc xu thời đối với các nhà đương đạo.
Chúng ta hiện đang cần những nhà sử học uyên bác hơn, sâu sắc hơn, tận tâm hơn đề xây dựng một nền sử học vững vàng, phong phú, tìm hiểu cho chúng ta một cách khoa học nguyên nhân của những biến chuyển lịch sử cùng các ảnh hưởng của nó đối với quốc gia, xã hội xưa và nay. Nhà sử học đó sẽ là một giải phẫu sư hay một lương y phân tách rành rẽ các bệnh trạng để áp dụng những phương thuốc cần thiết. Nhà sử học phải đứng vào lập trường của đại chúng, đi sát với đại chúng mới xác nhận được các điều dở, hay gây nên do một chính sách hoặc một chính thể của mỗi triều đại bởi những điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta, nghĩa là đến toàn thể. Ngoài ra muốn làm tròn sứ mạng, sử gia còn phải đi sâu vào quá khứ tìm bài học cho tương lai - Ôn cố tri tân - như lời cổ nhân đã nói.
Nhưng nói rằng sử học có thể là nền tảng của việc giáo hóa quần chúng không phải là chỉ đem cái dĩ vãng oanh liệt, nhất là cái dĩ vãng đã tàn của tiền nhân ra để phô trương hay khích động quần chúng. Phải đi xa hơn nữa! Do sự xúc tiếp ngày nay dễ dàng với nhiều dân tộc khác ta còn phải tìm hiểu những ưu khuyết điểm của người và của ta, đâu hơn, đâu kém, để tự mình đánh giá lấy cái sở trường, sở đoản giữa ta và thiên hạ ngõ hầu tránh được cái bệnh mẹ hát con khen hay và tìm ra nẻo tiến. Quan niệm về dân tộc và thời vụ đã xác đáng, bước tương lai đã nhìn rõ, ta có thể cất chân lên đường một cách vững chắc. Đối với nội bộ của chúng ta, hiểu biết cách sửa đổi những điều sai lầm về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội; đối với các nước ngoài chúng ta sẽ có một chủ trương, một chính sách để bảo vệ chủ quyền cùng đua chen với các dân tộc trên trường quốc tế. Một quốc gia được kể là văn minh không thể không có những ý thức tối thiểu này trước dĩ vãng, hiện tại và tương lai của mình.
Trong cuộc tranh sống ngày nay không tiến là ngừng, là thoái và cái gì không tiến tất bị đào thải. Một dân tộc muốn trường tồn, muốn tiến hóa, muốn thịnh đạt phải tránh hết thảy mọi sự bất ngờ. Tỷ như dân tộc Pháp, nếu các tầng lớp xã hội cùng giác ngộ sớm về vấn đề quyền lợi thì nạn quân chủ độc đoán, nạn phong kiến ích kỷ, nạn tăng lữ tham tàn đâu có kéo dài đến thế kỷ thứ XVIII để rồi bao nhiêu xương máu đã phải đổ ra qua mấy cuộc cách mạng liên tiếp. Trái lại đối với dân Anh quý tộc và dân chúng từ lâu đã biết đi đến thể dung hòa nên Hoàng gia vẫn vững bền, vẫn được cảm tình của nhân dân, mặc dầu đã có lần dân chúng Anh xử tử hình một vị hoàng đế.
Dân tộc Trung Hoa cuối đời Mãn Thanh nếu không kiêu ngạo vì nền văn minh tối cổ của mình, sớm tỉnh ngộ trước sự tiến hóa, hùng cường của Tây phương có lẽ Điều ước Thiên Tân và Nam Kinh vào giữa thế kỷ thứ XIX chưa dễ đã ra đời.
Để kết luận, chúng tôi nghĩ rằng phải luôn luôn có cái gì thức tỉnh, khuyến khích, giác ngộ và thúc đẩy quần chúng. Cái đó theo chúng tôi là sử học và sử học phải được biên soạn theo những quan niệm rộng rãi với một tinh thần dân chủ triệt để và luôn luôn có những cảnh cáo kịp thời những nhà cầm quyền, những chính trị gia.
Cận lai Đức quốc xã, Nhật Bản và một vài cường quốc đã đặc dụng sử học trong cuộc vận động quần chúng. Nói thêm vậy để hiểu rằng sử học có lợi, hại cho các mưu đồ lớn lao, hưng quốc hay táng quốc khi nó đã có dịp biến ra thứ rượu uống quên chết cho cả một dân tộc trên bãi sa trường.
Trước một quan niệm sử học mênh mông nhường ấy, chúng ta thấy sử học nước nhà quả đang còn hết sức phôi thai, ấu trĩ. Công cuộc này không thể là việc của một cá nhân mà là của toàn thể đối với những ai quan tâm đến ảnh hưởng vĩ đại của nó.
Là một thư sinh trên đường sử học, chúng tôi cố gắng nối tiếp lời của các người trước và liên lạc với các bạn đồng thời những mong sử học nước nhà chóng ra khỏi tình trạng sơ khoáng. Chúng tôi hy vọng riêng về phần chúng tôi làm cái việc đầu tiên là phá bỏ một phần nào đám cỏ hoang dại của vườn sử học, thế cũng là làm một việc quá sức mình rồi. Còn những việc trọng đại hơn xin trông chờ các học giả, các bậc cao minh trong nước.
Những năm gần đây nhiều bài khảo luận về lịch sử ra đời, nhiều cuốn sách biên soạn riêng biệt về các vấn đề lịch sử mà một phần có giá trị hẳn hoi liên tiếp nhau ra mắt quốc dân, phải chăng là những triệu chứng tốt lành bảo trước sử học nước nhà một ngày không xa sẽ đi đến chỗ kiện toàn vậy.
Phạm Văn Sơn
Sài Gòn, ngày 5 tháng 10 năm 1952
Tài liệu liên quan
Kim cương
Rating
Lượt xem
Kim cương
Rating
Lượt xem
Kim cương
Rating
Lượt xem
Kim cương
Rating
Lượt xem
Ý kiến (0)