để tặng cho tác giả tài liệu này
Giới thiệu Mạc Tộc Việt Nam
-
- Tổng quan về dòng họ Mạc ở Việt Nam
- Hình ảnh hoạt động của Mạc Tộc ở TP.HCM
- Trang web Hội đồng Mạc tộc TP.HCM
- Những thành tựu nghiên cứu về vương triều Mạc
- Lịch sử dòng họ Mạc
- Bí mật về công cuộc khai phá Trấn Hà Tiên và vai trò của dòng họ Mạc
- Đại hội Mạc tộc TP Hồ Chí Minh năm 2012
- Lễ giỗ Thái tổ Hoàng đế Mạc Đăng Dung năm 2012
- Lễ An vị và cúng giỗ Mạc Thái Tổ năm 2022
Tác giả: Nhiều tác giả
Nhà cung cấp: Nhiều nguồn
Đối tượng phù hợp
- Tất cả mọi người
Lý do nên xem
- Giúp hiểu cơ bản về họ Mạc ở Việt Nam.
- Góp phần sáng tỏ sự hình thành và phát triển của họ Mạc ở Việt Nam.
Tóm tắt nội dung
Họ Mạc ở Việt Nam, có cả một triều đại phong kiến, đó là nhà Mạc. Trong lịch sử Việt Nam, gia tộc họ Mạc ở Hà Tiên gốc Hoa, có công cai quản và góp phần khai khẩn miền Tây Nam Bộ Việt Nam, làm cho lãnh thổ Việt Nam được mở rộng tới vùng cực Nam Việt Nam ngày nay.
Đất nước Việt Nam có hàng trăm tộc họ đang cùng chung sống hòa bình và đoàn kết. Sử sách cũng ghi chép, trong dòng chảy hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, rất nhiều biến động đã dẫn đến những cuộc thay tên đổi họ lớn. Theo đó, nhiều dòng họ hiện nay có gốc gác từ một dòng họ khác. Một trong số đó là dòng họ Mạc.
Họ Mạc là dòng họ không quá phổ biến ở Việt Nam hiện nay, với quy mô dân số khiêm tốn (chỉ chưa đầy 1% dân số cả nước). Thế nhưng, dòng họ này lại là gốc gác của nhiều dòng họ khác. Một bộ phận của các dòng họ như Nguyễn, Bùi, Bế, Lều, Ma, Thái… có gốc họ Mạc, và trong lịch sử, rất nhiều người con họ Mạc đã làm rạng danh quê hương, dòng tộc.
Logo Mạc tộc Việt Nam, nguồn: https://mactoc.com/hd-mac-toc-vn-va-cac-tinh-thanh/
Vào thời nhà Trần, có một người con họ Mạc đã làm vẻ vang nước nhà Đại Việt bằng tài thơ văn thiên phú của mình, đó là Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Hay, nổi tiếng nhất là Vương triều Mạc do Vua Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung lập nên, cai trị nước ta từ năm 1527 đến năm 1593 (sử cũ gọi đó là Bắc triều để phân biệt với Nam triều của nhà Lê trung hưng).
Họ Mạc còn nổi danh với các tên tuổi lừng lẫy khác, như Trạng nguyên Mạc Hiển Tích - vị Trạng nguyên thứ hai trong sử Việt, người được suy tôn là Thủy tổ của dòng họ; hay Nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi quê ở Hải Dương, là nhân vật xuất hiện trên bộ tem đắt giá nhất Việt Nam…
Họ Mạc cũng là dòng họ gặp nhiều biến cố nhất và vì vậy đã phân tán thành nhiều họ khác. Vào cuối thế kỷ XVI, cục diện phân tranh Nam - Bắc triều đã ngã ngũ, thất bại trước Nam triều, nhà Mạc phải rời khỏi Thăng Long, chạy lên Cao Bằng. Để tránh họa diệt vong của dòng tộc, nhiều người họ Mạc đã thay tên đổi họ, sống ẩn khuất trong dân gian. Nhiều người trong số đó khi thành danh, dù đã mang họ khác nhưng gốc gác dòng họ Mạc vẫn được bảo lưu và trở thành niềm tự hào của dòng họ. Điển hình có thể kể: Tổng đốc Hoàng Diệu - người đã chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội trước quân Pháp đến hơi thở cuối cùng, nhà cách mạng kiên trung Lê Hồng Sơn, anh hùng Phạm Hồng Thái với sự kiện “Tiếng bom Sa Diện” năm 1924…
Họ Mạc còn có một gia tộc gốc Hoa, gọi là Chi họ Mạc gốc Hà Tiên (Kiên Giang), tổ tiên của họ là những người Trung Quốc, vì thay đổi triều đại nên đã vượt biên sang lánh nạn ở nước ta, được vua chúa Đại Việt cưu mang, cho khai khẩn đất hoang, lập đồn điền để duy trì kế sinh nhai, từ đó hòa mình với các tộc người của nước Việt. Cho dù có gốc gác khác nhau nhưng các chi phái của dòng họ Mạc này đã đóng góp những công lao không nhỏ, hiến dâng xương máu của mình vào công cuộc mở rộng lãnh thổ nước ta đến vùng cực Nam hiện nay, nên rất xứng đáng được ca ngợi, tôn vinh.
Tượng Mạc Cửu ở thị xã Hà Tiên - người có công khai phá, hình thành vùng đất Hà Tiên (Kiên Giang) vào khoảng đầu thế kỷ XVII ở Việt Nam, nguồn. vi.wikipedia.org
Nghiên cứu và hiểu lịch sử phát triển của dòng họ Mạc - dòng họ từng lên ngôi cửu ngũ chí tôn ở nước Việt là một việc làm ý nghĩa, thể hiện sự nhớ ơn đến những công lao của các bậc tiền nhân. Những người con họ Mạc và những người có gốc gác họ Mạc đều có quyền tự hào về những thành tựu mà các bậc tiên tổ của mình đã dày công tạo dựng.
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC DÒNG HỌ MẠC LỚN Ở VIỆT NAM
Dòng họ Mạc gốc xứ Đông
Chi phái họ Mạc ở Việt Nam có gốc xứ Đông là chi phái có nhiều ảnh hưởng nhất trong lịch sử Việt Nam. Xứ Đông tức là trấn Hải Dương xưa, là vùng đất bao gồm tỉnh Hải Dương và Thành phố Hải Phòng ngày nay, ngoài ra cũng bao gồm một phần của tỉnh Hưng Yên và tỉnh Quảng Ninh. Dòng họ này bắt đầu nổi danh từ thời Lý - Trần trong ba thế kỷ XI đến XIV về đường văn cử khoa bảng rồi vươn tới đỉnh cao quyền lực bằng nghiệp võ vào cuối thời Lê sơ.
Theo các thần phả, thần tích đang được dòng họ lưu giữ thì tổ tiên của dòng họ vốn mang họ Cơ, sống ở nước Chu bên phương Bắc, vì lập nghiệp ở đất Mạc nên đã cải sang họ Mạc. Sau đó, dòng họ này đã di cư xuống phương Nam, sinh sống cùng người Việt. Tuy nhiên, trong chính sử lại không có những ghi chép rõ ràng về nguồn gốc sâu xa của dòng họ Mạc ở nước ta.
Theo chính sử và trong các đền thờ của Mạc tộc đều suy tôn cụ Mạc Hiển Tích là Thủy tổ của dòng họ Mạc và dòng họ Mạc được khởi phát từ chính quê hương của cụ là ở làng Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Thủy tổ Mạc Hiển Tích sinh năm 1060, đỗ đầu tại khoa thi năm Quảng Hựu thứ 2 thời Vua Lý Nhân Tông, tức năm Bính Dần 1086. Cụ là một người có tài về chính trị, là trọng thần của Lý triều, làm quan đến chức Thượng thư.
Cụ Mạc Hiển Tích có người con là Mạc Hiển Đức, Hiển Đức sinh Hiển Tuấn, Hiển Tuấn sinh Đĩnh Kỳ. Mạc Đĩnh Kỳ chính là thân phụ của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời nhà Trần. Mạc Đĩnh Chi sinh năm 1280, thi đỗ Trạng nguyên năm 1304, đời Vua Trần Anh Tông. Sử cũ mô tả Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi là người có tướng mạo xấu xí nhưng trí tuệ thông minh tột bậc. Ông từng hai lần được cử đi sứ nhà Nguyên bên Trung Quốc. Vua Nguyên khâm phục tài năng của ông nên đã phong ông là “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên”, tức Trạng nguyên của hai quốc gia Đại Việt và Đại Nguyên. Ông được con cháu họ Mạc suy tôn là Viễn tổ họ Mạc và được người cháu đời thứ bảy là Mạc Đăng Dung truy tôn là Kiến Thủy Khâm Minh Văn Hoàng Đế.
Người cháu đời thứ năm của Mạc Đĩnh Chi là Mạc Bình đã chuyển đến làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương trấn Hải Dương (nay là huyện Kiến Thụy, Thành phố Hải Phòng) lập nghiệp và đó chính là vùng đất khởi phát của Vương triều Mạc. Mạc Bình sinh ra Mạc Hịch, Mạc Hịch lấy người con gái họ Đặng ở cùng xã và sinh được ba con trai, con trưởng là Mạc Đăng Dung, con thứ là Mạc Đăng Đốc, con út là Mạc Đăng Quyết.
Tượng thờ Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi tại chùa Dâu, Bắc Ninh, nguồn: Báo Thanh niên
Trong số ba người con, Mạc Đăng Dung là người nổi tiếng có sức khỏe vô địch. Mạc Đăng Dung bước vào đường quan lộ sau khi thi đậu kỳ thi Võ trạng nguyên trong cuộc thi tuyển võ sĩ tại Giảng Võ đường ở Thăng Long dưới triều Vua Lê Uy Mục, rồi được sung quân Túc vệ vác lọng theo hầu vua. Sau 20 năm lăn lộn chính trường, nhờ mưu trí và tài thao lược, Mạc Đăng Dung đã trở thành một võ quan cao cấp trong triều đình nhà Lê, thăng lên đến tước An Hưng Vương thời Vua Lê Cung Hoàng. Nhận thấy chính quyền của Vua Lê đã trở nên thối nát, không còn đủ sức lãnh đạo Đại Việt được nữa, Mạc Đăng Dung đã phế truất vị vua cuối cùng của nhà Lê sơ là Vua Lê Cung Hoàng, tự lập làm vua, hiệu là Vua Mạc Thái Tổ, kiến lập Vương triều Mạc.
Với việc sáng lập Vương triều Mạc, Vua Mạc Thái Tổ đã có công lớn trong việc tạo lập lại thế ổn định của xã hội cũng như chính trường nước Đại Việt sau hơn 20 năm hỗn loạn, đặt nền móng cho dòng họ Mạc trở thành dòng họ cầm quyền, cai trị nước ta lúc đó.
- Cuộc đổi họ lớn nhất trong lịch sử
Nhà Mạc từ Vua Mạc Thái Tổ đến Vua Mạc Mục Tông trị vì trong 66 năm, truyền được năm đời vua. Thời kỳ trị vì của nhà Mạc cũng là một thời kỳ nổi tiếng trong sử Việt mà các sử gia vẫn hay gọi đó là “Chiến tranh Nam - Bắc triều”. Nhà Mạc là Bắc triều, trấn giữ kinh thành Thăng Long và miền Bắc nước ta, còn Nam triều là chính quyền của nhà Lê trung hưng, cai quản vùng đất từ Thanh Hóa trở vào Nam.
Vào những năm cuối của triều đại, chính quyền nhà Mạc dần suy vong. Tháng 11 năm 1592, Trịnh Tùng dẫn quân Nam triều tiến đánh Thăng Long, quân Mạc thua to, phải rút khỏi kinh thành. Trịnh Tùng thừa cơ phát động chiến dịch tàn sát thảm khốc con cháu dòng họ vừa sa cơ thất thế.
Lãnh thổ nước Đại Việt dưới thời Nam - Bắc triều, nguồn: bandovietnamtreotuong.com
Vua Mạc Mục Tông bị quân Nam triều truy đuổi gắt gao phải xuống tóc giả làm nhà sư trốn trong chùa nhưng rồi cũng phải ra hàng. Trịnh Tùng đã cho treo sống ba ngày rồi mới xử trảm, lấy đinh đóng vào hai mắt, sau đó đem thủ cấp về dâng nộp cho Vua Lê, khiến ai nấy đều kinh hãi. Cùng cảnh ngộ với nhà vua là hơn 60 người họ Mạc bị bắt và bị thảm sát trong một ngày, thây phơi đầy đồng. Nhiều thân vương chịu không nổi không khí khủng bố quá nặng nề đã tự sát hoặc dấy binh tạo phản, tình cảnh vô cùng bi đát. Con cháu họ Mạc lánh nạn khắp nơi, mai danh ẩn tích sống qua ngày nhưng Chúa Trịnh vẫn không buông tha, cuộc truy sát trả thù vẫn tiếp tục. Làng Cổ Trai của họ Mạc gần như bị san phẳng.
Trong bước đường cùng, những con cháu họ Mạc còn sót lại đã đi đến một quyết định táo bạo và cực kỳ hệ trọng, đó là đổi họ để qua cơn nguy biến. Việc đổi họ này đã được tính toán vô cùng kỹ lưỡng để cho hậu duệ của hàng trăm hàng ngàn con cháu phiêu tán khắp nơi vẫn biết được cội nguồn của mình để tìm về. Một cách đổi họ được xem là diệu kế đó là: “Khử túc bất khử thủ”, nghĩa là: “Bỏ chân không bỏ đầu”. Theo đó, Mạc (莫) trong chữ Hán có bộ “thảo đầu”, tức là ba nét viết trên đỉnh chữ nên người họ Mạc đã đổi thành hàng chục họ khác nhau như họ Lê, Hoàng, Phạm, Thái, Nguyễn, Đoàn, Lều, Bế, Ma, Hà, Vũ, Thạch... và ghi thêm “bộ thảo” trên đầu các chữ để làm dấu đó là họ Mạc. Hoặc, một cách đổi họ khác đó là lấy chữ đệm của Thái Tổ Mạc Đăng Dung để thêm vào tên mới. Đó là thêm chữ “Đăng” vào tên lót, từ đó hình thành nên các họ như Lê Đăng, Hoàng Đăng, Phạm Đăng, Phan Đăng, Thạch Đăng, Bùi Đăng... Tất cả đều là người họ Mạc.
Cuộc đổi họ này quy mô lớn này diễn ra trong âm thầm. Có đến ít nhất 40 họ gốc Mạc được hình thành từ sự kiện này. Sau đó, con cháu họ Mạc tản cư ra khắp nơi trong cả nước, nhưng tập trung nhiều ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hải Phòng, Bắc Giang…
Sau khi để mất Thăng Long, những tôn thất của nhà Mạc đã chạy lên Cao Bằng và xây dựng một chính quyền mới của dòng họ, làm chủ vùng đất này trong gần 100 năm. Các Vua Mạc Cao Bằng truyền được thêm sáu đời vua. Tại vùng đất mới, các Vua Mạc đã xây dựng một nhà nước có pháp luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế, mở mang dân trí, tăng cường phòng bị để chống chọi lại nhà Lê - Trịnh. Không chỉ bảo vệ được mảnh đất cuối cùng của dòng họ trước các cuộc tấn công của triều đình Thăng Long, các Vua Mạc còn có công bảo vệ cương vực lãnh thổ phía Bắc đất nước khỏi các thế lực bên ngoài, tạo dựng những di sản về văn hóa ở Cao Bằng vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Chính quyền của nhà Mạc ở Cao Bằng được duy trì đến năm 1683 mới bị nhà Lê - Trịnh tiêu diệt hoàn toàn.
Trong khi những tôn thất nhà Mạc chạy lên Cao Bằng thì một bộ phận nhỏ người họ Mạc đã chạy vào Nam để phò tá Chúa Nguyễn. Mạc Cảnh Huống, con của Vua Mạc Thái Tông đã đến quy thuận Chúa Nguyễn Hoàng và trở thành khai quốc công thần, phò tá ba đời Chúa Nguyễn. Ông là vị chỉ huy tối cao của quân đội Đàng Trong, người vạch ra chiến lược quân sự để chống quân Trịnh ở phía Bắc và bình định Chiêm Thành ở phương Nam. Dưới thời Nguyễn Hoàng, ông đã đóng góp nhiều công lao trong công cuộc Nam tiến, đánh chiếm Đồng Xuân và Tuy Hòa của Chămpa vào năm 1611, mở rộng bờ cõi Đại Việt về phía Nam. Để ghi nhận công lao của ông, năm 1617, chúa Tiên Nguyễn Hoàng tấn phong ông chức Thống binh Thái phó và được ban quốc tính Chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc.
Con trai Mạc Cảnh Huống là Mạc Cảnh Vinh cũng là một trọng thần của Chúa Nguyễn, được Chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái Nguyễn Phúc Ngọc Liên, phong chức Đặc Tiến Phụ Quốc Thượng tướng quân Cẩm vệ Đô chỉ huy sứ và được ban quốc tính. Ông chính là người mở đầu cho tộc Nguyễn Trường, một tộc họ danh giá của vùng Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam ngày nay.
Một người con họ Mạc khác là Mạc Thị Giai, con gái danh tướng Mạc Kính Điển, cháu gọi Mạc Cảnh Huống bằng chú cũng là một nhân vật quan trọng của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Bà là Chính thất của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, thân mẫu của Chúa Nguyễn Phúc Lan, được truy tôn là Hiếu Văn Hoàng hậu. Hoàng hậu Mạc Thị Giai được mệnh danh là một trong những Hoàng hậu đẹp nhất lịch sử Việt Nam. Theo các câu chuyện dân gian, bà được dân chúng tôn làm Bà tổ bếp hay bà tổ của nghề nấu ăn đất phương Nam.
Sau biến cố khủng khiếp khiến dòng họ Mạc tan đàn xẻ nghé, những người họ Mạc xứ Đông đã buộc phải đổi sang các họ khác như Huỳnh/Hoàng, Phan, Phạm…. Nhưng suốt mấy trăm năm, họ vẫn giữ được cây gia phả của tổ tiên từ đời Mạc. Con cháu của dòng họ tiếp tục sinh sôi, phát triển giống nòi. Sử sách cận và hiện đại đã ghi danh nhiều nhân vật là hậu duệ của các chi phái có gốc là họ Mạc xứ Đông, như Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu; các nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, Phạm Hồng Thái, Mạc Thị Bưởi, Lê Hồng Sơn; nhạc sĩ Hồng Đăng; Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Như Đồng (tên gọi khác là Mẹ Hòa); doanh nhân Thái Thị Hương,...
Họ Mạc gốc Hà Tiên
Mảnh đất Hà Tiên gắn liền với lịch sử dòng họ Mạc, là dòng họ bậc khai quốc công thần có công khai khẩn, mở cõi và bảo vệ vùng đất cuối biển Tây Nam Tổ quốc thiêng liêng. Đây là dòng họ gốc Hoa, sinh trưởng ở đất Quảng Đông (Trung Quốc), rồi di cư đến xứ Đàng Trong thuộc quyền cai trị của các chúa Nguyễn sau biến loạn cuối thời nhà Minh (Trung Quốc).
Vào thế kỷ XVII, nhà Minh suy vong và bị nhà Thanh của tộc người Mãn Châu tiêu diệt. Mặc dù nhà Minh mất nhưng phong trào “phản Thanh phục Minh” vẫn diễn ra sục sôi ở nhiều nơi, trong đó có vùng Quảng Đông. Mạc Cửu hay còn gọi là Mạc Hích Cửu là một thương gia có tiếng ở Quảng Đông, không chịu thần phục nhà Thanh nên khi Vua Khang Hy cho quân bình định vùng Quảng Đông, ông đã cùng gia quyến và những người thân tín vượt biển xuôi về phương Nam. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cả, phái đoàn Mạc Cửu đổ bộ lên một vùng đất hoang trong vịnh Thái Lan. Sau khi dò hỏi và biết vùng đất này thuộc ảnh hưởng Chân Lạp, ông liền tìm đến xin tị nạn. Mạc Cửu gom dân lưu tán lại lập ra 7 xã: Phú Quốc (Kol Trah), Cà Mau, Rạch Giá, Vũng Thơm, Cần Bột, Lũng Kỳ, Hà Tiên ở dọc bờ biển Tây, và tự đứng ra cai quản. Sau đó, Vua Chân Lạp đã phong ông là Ốc nha để cai quản vùng đất mới này. Tương truyền, có tên gọi Hà Tiên là do ở đây thường có Tiên nữ xuất hiện tắm trên sông nên ý nghĩa của nó là Tiên trên sông.
Mạc Cửu chủ trương để cho dân khai hoang tự do, không thu tô thuế, chỉ đứng ra tổ chức mua sản phẩm để bán lại cho khách buôn. Chính điều này đã thu hút dân chúng khắp nơi kéo đến quy tụ, biến vùng đất mới này trở nên tấp nập, thịnh vượng. Năm 1687, tai họa ập đến khi quân Xiêm tràn vào đánh phá Chân Lạp, Mạc Cửu bị bắt và đưa về Xiêm giam ở Vạn Tuế Sơn, mãi sau đó ông mới trốn về được.
Nhận thấy muốn tồn tại phải có thế lực đủ mạnh để bảo vệ, che chở cho lãnh địa mà ông đã dày công gây dựng, nên sau khi cân nhắc, năm 1708 Mạc Cửu đã đem lễ vật đến xin thần phục Chúa Nguyễn Phúc Chu và dâng bảy xã mới thành lập. Chúa Nguyễn ưng thuận, lệnh đổi tên thành trấn Hà Tiên, phong Mạc Cửu làm Tổng binh coi giữ.
Đất Cancao ou Pontiamo (Phương Thành tức Hà Tiên) do Mạc Cửu chuyển cho chúa Nguyễn nằm trong bản đồ Nam Kỳ (năm 1829), nguồn: Pierre M. Lapie - Bản đồ Vương quốc Đại Nam trong Atlas Universel ấn hành năm 1829
Sau khi Mạc Cửu mất, con ông là Mạc Thiên Tứ được Chúa Nguyễn cho nối nghiệp cha vào năm 1735 và ông đã hết lòng phụng sự cơ nghiệp nhà chúa. Ông đã giúp Chúa Nguyễn trong việc phòng giữ sự xâm lăng của quân Xiêm La, Chân Lạp và bọn cướp biển, ngoài ra còn giúp mở mang phát triển kinh tế vùng này. Năm 1756, ông đã thi hành nhiệm vụ của một đặc sứ và giúp Chúa Nguyễn mở rộng lãnh thổ miền Cửu Long. Dưới sự dẫn dắt của Mạc Thiên Tứ, lần lượt hai đời Vua Chân Lạp là Nặc Nguyên và Nặc Tôn đều thần phục Chúa Nguyễn, dâng cho Chúa Nguyễn đất Tầm Bôn (Tân An bây giờ), Lôi Lạp (Gò Công) và Kampong Luôn (Tầm Phong Long). Vào thời điểm đó, có thể nói vùng Hà Tiên bao gồm cả vùng Hậu Giang ngày nay phát triển được về kinh tế và xã hội đều nhờ công của Mạc Thiên Tứ. Tại thủ phủ Hà Tiên, Mạc Thiên tứ đã thành lập “Tao Đàn Chiêu Anh Các” là nơi gặp gỡ giao lưu các thi nhân, danh sĩ, tạo nên một nền văn học thi ca rực rỡ danh tiếng bậc nhất miền Nam. Ảnh hưởng của nhóm Chiêu Anh Các lan rộng ra ngoài phạm vi trấn Hà Tiên. Danh sĩ Nguyễn Cư Trinh ở Gia Định cũng thường xuyên đến Hà Tiên gặp gỡ xướng họa với các thi hữu trong Chiêu Anh Các. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Mạc Thiên Tứ là “Hà Tiên thập vịnh”- vịnh về mười cảnh đẹp nhất của Hà Tiên.
Nơi an nghỉ của Mạc Thiên Tứ, nguyên soái Tao đàn Chiêu Anh Các, trên núi Bình San, nguồn: Mạc tộc Hà Tiên
Vào năm 1776, khi quân Tây Sơn đánh thành Gia Định, Mạc Thiên Tứ vẫn giữ lòng trung thành với Chúa Nguyễn, cùng Chúa Nguyễn chạy qua Xiêm La trốn. Nhưng nghe lời dèm pha, Vua Xiêm đã giết hại nhiều người thân trong gia đình ông, bản thân ông cũng bị bắt giam tra hỏi, quá phẫn uất ông đã tự tử và chết trên đất Xiêm La. Sau này con cháu họ Mạc tiếp tục phò tá làm quan cho Chúa Nguyễn và triều đình nhà Nguyễn cho đến đời Vua Minh mạng thì chấm dứt vì một số con cháu họ Mạc nhận lãnh chức từ Lê Văn Khôi và do đó bị xem dính líu tới vụ việc Lê Văn Khôi phản loạn chống lại triều đình. Hiện nay, đền thờ họ Mạc (Mạc công miếu) nằm dưới chân núi Bình San (thị xã Hà Tiên) là nơi thờ tự Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ, Mạc Tử Sanh, các vị phu nhân, con cháu và tướng lĩnh họ Mạc.
DẤU ẤN VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, nhà Mạc nắm triều chính chỉ có 66 năm (1527 - 1593) nhưng đã để lại nhiều dấu ấn và chứng tích lịch sử oanh liệt trên một dải đất vùng duyên hải Bắc bộ.
Vương triều Mạc do Thái tổ Mạc Đăng Dung sáng lập ra, thuộc dòng dõi Trạng nguyên Mạc Hiển Tích, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Tuy sinh ra trong gia cảnh nghèo khó, nhưng Mạc Đăng Dung lại có tài năng võ nghệ nên đã trúng cuộc thi tuyển dũng sĩ và dành hơn 20 năm cuộc đời phục vụ dưới 4 triều vua Lê. Trong khoảng thời gian đó, ông đã lập được nhiều chiến công và nắm quyền chỉ huy binh mã cả nước. Năm 1527, Mạc Đăng Dung phế truất Vua Lê Cung Hoàng, lên ngôi vua, lập ra nhà Mạc. Đây được coi là một tất yếu của thời đại, bởi Vua Lê đã không còn đủ năng lực và bị thiên hạ chán ghét.
Sau gần ba năm ở ngôi, Vua Mạc Thái Tổ lui về Dương Kinh ở ẩn, trao lại ngôi báu cho con trưởng Mạc Đăng Doanh, tức Vua Mạc Thái Tông. Từ đó trở đi, con cháu của Mạc Đăng Dung thay nhau lên nối ngôi, tiếp quản việc triều chính.
Khu di tích vương triều Mạc - xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng), nguồn: thanhdoanhaiphong.gov.vn
Nhà Mạc trải qua năm đời vua, trị vì 66 năm ở kinh thành Thăng Long. Trong suốt quãng thời gian đó, nhà Mạc đã đưa ra nhiều chính sách cải cách, phát triển kinh tế làm cho đời sống nhân dân no đủ, xã hội ổn định, nhất là dưới thời Vua Mạc Thái Tông, người được xem là vị minh quân trăm năm có một. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ca ngợi thời thịnh trị của Vua Mạc Thái Tông rằng: “Ban đêm không còn trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ cần mỗi tháng xem lại một lần, có khi sinh đẻ cũng không biết được là gia súc nhà mình. Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên”.
Về kinh tế, khác với thời hậu Lê, nhà Mạc áp dụng chính sách kinh tế cởi mở, tạo tiền đề cho kinh tế hàng hóa phát triển. Các đô thị sầm uất được hình thành và ngày càng đông đúc, trong đó có Phố Hiến (Hưng Yên) nổi tiếng là trung tâm buôn bán lớn nhất chỉ đứng sau kinh thành Thăng Long lúc bấy giờ, nên dân gian mới có câu “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.
Di tích thành nhà Mạc ở Lạng Sơn, nguồn: VOV2
Ngoài việc khuyến khích lập chợ, xây dựng hải cảng, mở xưởng đóng tàu thuyền, nhà Mạc đã có nhiều cải cách, ưu tiên cấp ruộng đất cho nông dân, binh lính; chú trọng khai khẩn ruộng đất, lập làng, đắp đê, làm đường giao thông, cầu cống; có chính sách phát triển các ngành nghề thủ công, nghề gốm. Minh chứng rõ ràng nhất là gốm Chu Đậu thời kỳ này đã theo thuyền buồm sang Trung Quốc, Nhật Bản và các nước phương Tây. Chính nhờ kinh tế phát triển vượt bậc mà đời sống văn hóa xã hội của nước ta thời bấy giờ cũng phát triển rực rỡ. Dưới thời Vương triều Mạc, nhiều ngành nghệ thuật phát triển, một trong số đó phải kể đến nghệ thuật kiến trúc lâu đài và thành lũy. Hà Nội có sáu ngôi đình xây dựng dưới thời Mạc và tám ngôi đình khác được ghi chép trong văn bia, trong đó có hai ngôi đình kiến trúc còn khá nguyên vẹn, là đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang) và đình Tây Đằng (Hà Nội).
Dưới thời kỳ trị vì của mình, nhà Mạc tổ chức đều đặn hơn 20 kỳ thi Hội, lấy đỗ được 11 Trạng nguyên và khoảng hơn 450 vị Tiến sĩ. Đặc biệt có Nguyễn Thị Duệ người Chí Linh (Hải Dương) là vị nữ Tiến sĩ đầu tiên và duy nhất trong sử Việt. Ngoài ra, dưới thời nhà Mạc còn có nhiều nhân vật kiệt xuất khác như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiến, Nguyễn Quyện, Phùng Khắc Khoan, Giáp Hải, Phạm Quỳnh… là những trí thức lớn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát triển Đại Việt ở các thập kỷ sau này.
Có thể nói, đất nước ta dưới thời nhà Mạc đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ và mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Dù tồn tại trong một thời gian không quá dài (66 năm ở kinh thành Thăng Long và gần 100 năm tại Cao Bằng), nhưng nhiều dấu ấn của nhà hậu Mạc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục… vẫn trường tồn cùng với thời gian, có ảnh hưởng lớn đến tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc.
Tài liệu liên quan
-
1
Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc hơn 20 năm nghiên cứu và nhận thức
Kim cương
Miễn phíRating
0.0/5Lượt xem
436
Ý kiến (0)